Tằm dâu và sợi Tơ tằm




Nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa xuất hiện ở nước ta từ thời Hùng Vương.

Đến thời Lý – Trần, các triều vua nước ta đã kiên quyết không cho sử dụng vải vóc của nhà Tống - Ngay cả trong cung đình. Triều Đình bằng mọi cách phát huy nghề canh cửi, tằm tang, ...trong nước như một biểu tượng của lòng tự cường dân tộc và ý chí độc lập, tử chủ - Không lệ thuộc ngoại bang.
Con tằm là loài côn trùng biến thái hoàn toàn. Để chuẩn bị cho lần ngủ cuối cùng trước khi hóa vũ, tuyến nước bọt của chúng phóng ra ngoài một loại chất dịch mà sẽ bị đông lại trong không khí để tạo nên một cái bọc bao quanh mình.

Đó chính là cái kén – sản phẩm cuối cùng của nghề trồng dâu, nuôi tằm. Từ những kén tằm ấy, qua nhiều công đoạn kỹ thuật đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì và tinh tế, tơ tằm được tháo kén, chập lại thành sợi rồi dệt, nhuộm, sáng tạo ra tới trên dưới 70 thứ vải vóc.

Nghề chăn tằm quanh năm với nương dâu thật là vất vả. Con tằm ăn liên tục và ăn rất nhiều.

Chúng cần ăn rất sạch nếu không sẽ lăn ra chết ngay. Nhưng lá dâu nuôi tằm lại không được rửa nước và cần khô ráo hoàn toàn.

Tằm không chịu được dơ bẩn, đói, gió hay giá rét. Đặc biệt, chúng có lứa có thì rất nghiêm ngặt mà hễ sai trật đi một chút là sẽ ảnh hưởng tới phẩm chất của tơ ngay. Vì vậy nghề chăn tằm vừa vất vả vừa yêu cầu sự tỉ mỉ, kỹ càng.

Vải dệt từ sợi tơ tằm mèm, mịn, mát mẻ vào mùa hè và ấm nóng vào mùa đông. Lại thêm vẻ bóng bẩy, lấp lánh nhờ khả năng phản chiếu ánh sáng của cấu trúc lăng kính chóp tròn trên thiết diện sợi cắt ngang. Vẻ đẹp và sự kỳ công trong quá trình sản xuất khiến tơ lụa từ lâu đã trở thành một thứ hàng hóa đắt đỏ.

Thế nhưng cũng như nhiều món hàng thủ công hay nông nghiệp khác, trong cái thế giới tằm dâu lượt là đó, người vất vả nhất thường không phải là người được trả công nhiều nhất mà là những người đem đi trao đổi thành phẩm nhiều nhất.

Thời Chúa Nguyễn, nhiều nhà buôn nước ngoài đã đánh giá: “Tơ lụa Đàng Trong (Từ Lũy Thầy trở vào) so với trung Quốc thì hơn hẳn về phẩm chất và sự tinh tế”.

Vì vậy, người Trung Quốc mua rất nhiều tơ lụa của nước ta để buôn bán kiếm lời và cuối cùng thì tơ lụa An Nam trở thành một nguồn lợi độc quyền cho các nhà “khai hóa” đến từ nước Pháp - Chỉ trong vòng 5 năm, gần 200 tấn tơ lụa thủ công nguồn gốc An Nam đã được thông thương trao đổi. 

Sau khi bị đình đốn vì chiến tranh và bị “khai tử” vì danh hiệu “xa xỉ” trong suốt thời kỳ bao cấp, ngày nay các làng nghề ươm tơ dệt lụa trên khắp Đất nước đã dần được hồi sinh và bắt đầu tìm lại chỗ đứng của mình. Nhưng chặng đường phải đi còn rất dài và gian nan. Những thành quả mới đây đều chỉ là những bước chập chững để khởi đầu.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến